Đẩy mạnh khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế

Thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 7-9-2009 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh công tác Bảo hiểm y tế trong tình hình mới”, trong những năm qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố đã đẩy mạnh hoạt động thu hút, hỗ trợ người tham gia BHYT, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

BHYT giúp nhiều người bệnh thoát khỏi cơn hiểm nghèo do thiếu kinh phí. Trong ảnh: Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đà Nẵng được BHYT chi trả.
BHYT giúp nhiều người bệnh thoát khỏi cơn hiểm nghèo do thiếu kinh phí. Trong ảnh: Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đà Nẵng được BHYT chi trả.

Theo ông Đinh Văn Hiệp, Giám đốc BHXH thành phố, trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố luôn quan tâm, chỉ đạo các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, hỗ trợ cụ thể để người dân tham gia BHYT. BHXH thành phố chú trọng đến việc phát triển đối tượng tham gia BHYT, nhất là đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình, đối tượng tham gia BHYT do ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng cũng như vận động thêm các nguồn khác để mua thẻ BHYT cho người nghèo.

Theo số liệu thống kê, trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 38, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tại thành phố từ 67,23% (2009) đã tăng lên 95,9% (2019), tương đương từ 600.000 đồng người lên hơn 1 triệu người tham gia. Trong đó, nhóm do người lao động và sử dụng lao động đóng tăng từ 50% lên 95%; nhóm do ngân sách Nhà nước hỗ trợ tăng từ 68,3% lên 96,7% và nhóm tham gia BHYT hộ gia đình từ 49% tăng lên 90,9%...

Ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND thành phố, còn có sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành liên quan với BHXH thành phố trong tổ chức triển khai thực hiện, trong công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động khám chữa bệnh (KCB) BHYT. Trên cơ sở dự toán, kế hoạch giao của Chính phủ và BHXH Việt Nam, BHXH thành phố không ngừng quan tâm, tăng cường công tác quản lý Quỹ BHYT, bảo đảm cân đối giữa việc thu và chi, chống lạm dụng và trục lợi BHYT.

“Trong những năm gần đây, BHXH thành phố đã phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính tham mưu UBND thành phố giao dự toán cho các cơ sở KCB; việc giao dự toán kinh phí chi KCB BHYT cho các cơ sở y tế đã giúp cho các cơ sở nắm bắt được nguồn quỹ từ đó chủ động điều tiết cân đối để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT, bảo đảm sử dụng quỹ KCB BHYT tiết kiệm, hiệu quả”, ông Hiệp cho biết.

Theo đó, nếu tổng số lượt KCB BHYT năm 2009 chỉ đạt hơn 1,3 triệu lượt thì đến hết năm 2018, con số tương ứng hơn 2,9 triệu lượt. Bên cạnh đó, tổng số chi KCB BHYT cũng tăng từ 286,4 tỷ đồng (năm 2009) lên hơn 2.136 tỷ đồng (đến hết năm 2018). Việc thực hiện tốt công tác giám định KCB BHYT, nhất là việc áp giá thuốc, vật tư y tế và dịch vụ y tế tại các cơ sở KCB BHYT đã hạn chế, ngăn chặn tình trạng lạm dụng dịch vụ kỹ thuật cao, thuốc bệnh đắt tiền không thực sự cần thiết. Luật BHYT sửa đổi, bổ sung cũng mở rộng thêm nhiều quyền lợi cho người tham gia BHYT, trong đó, chính sách thông tuyến KCB tuyến huyện tạo nhiều thuận lợi cho người bệnh có thẻ BHYT được lựa chọn nơi KCB tuyến huyện phù hợp.

BHXH thành phố luôn xác định việc chăm sóc y tế và bảo đảm quyền lợi KCB cho người có BHYT là một trong những nội dung quan trọng nhất. Những năm qua, đơn vị luôn phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế thành phố trong việc đề xuất các giải pháp nhằm phục vụ việc đón tiếp, chăm sóc người bệnh, kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh ngay tại bệnh viện và bảo đảm quyền lợi chu đáo cho người bệnh có BHYT.

“Trong thời gian tới, BHXH sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho UBND thành phố trong công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chính sách BHYT ở các cấp, ngành, các đoàn thể và các đơn vị; kịp thời khắc phục và hạn chế tình trạng không tham gia hay nợ đóng BHXH, BHYT kéo dài của các doanh nghiệp; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng BHYT tại các cơ sở KCB BHYT để xử lý nghiêm minh và hạn chế, ngăn chặn hiện tượng lạm dụng hoặc trục lợi từ BHYT”, ông Hiệp cho biết thêm.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG