Đề xuất cấm thuốc lá điện tử ở Việt Nam

Các chuyên gia đề xuất cấm bán, sản xuất, quảng cáo thuốc lá điện tử ở Việt Nam do chứa nicotine, chất gây ung thư, có hại sức khỏe.

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn làm tăng nguy cơ hút thuốc lá. Người trẻ tuổi đã sử dụng thuốc lá điện tử thì sau đó dùng thuốc lá thông thường, nguy cơ nghiện tăng gấp 3,6 lần.

"Thuốc lá điện tử thay vì là công cụ cai thuốc thì lại khiến thanh thiếu niên khởi đầu hút thuốc", ông Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, nói tại hội thảo tham vấn ý kiến liên quan đến chính sách quản lý sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, ngày 5/3.

Nhiều chất độc, chất gây ung thư khác cũng được tìm thấy trong dung dịch và khói thuốc lá điện tử, gây hại cho cả người hút và người xung quanh. Trong đó phải kể đến như formaldehyde, nitrosamines, acetaldehyde, vòng benzen... WHO cũng cảnh báo về xu thế trộn hương vị, thậm chí cả ma túy trong các dung dịch thuốc lá điện tử.

Theo ông Lâm, đây là yếu tố cơ sở để cấm hút thuốc lá điện tử ở môi trường trong nhà như thuốc lá thông thường.

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ cấm mua bán, sản xuất, nhập khẩu, quảng cáo đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá, khám hô hấp tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Lê Nga.

Bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá, khám hô hấp tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Lê Nga.

Thạc sĩ Lê Thị Thu, Quản lý Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá và các bệnh không lây nhiễm, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cũng bày tỏ lo ngại về tình hình sử dụng thuốc lá điện tử và nung nóng trên thế giới gia tăng, đặc biệt là ở thanh thiếu niên.

Ở Mỹ đã xảy ra "nạn dịch" hút thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên. Từ năm 2011 đến 2018, số lượng sử dụng thuốc lá điện tử ở thanh thiếu niên Mỹ đã tăng từ 1,5% lên mức báo động là 27,5%, tăng rất nhanh. Năm 2018, khoảng một phần ba số người sử dụng thuốc lá điện tử là thanh thiếu niên.

Tại châu Âu, khoảng 1,5% dân số sử dụng thuốc lá điện tử thường xuyên năm 2014 và tăng lên 1,8% vào năm 2017.

Ở Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử hiện 1,1% dân số và chiếm 0,2 % số người đang hút thuốc lá truyền thống. Xu hướng sử dụng tăng ở các thành phố lớn, trong nhóm có mức sống khá và trong giới trẻ. 

"Việt Nam chưa có cơ chế chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới, trong khi các sản phẩm này được bán và quảng cáo mạnh trên mạng xã hội", bà Thu nói.

Bà Thu kiến nghị cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, không để các sản phẩm chưa được phép lưu hành bán tự do trên thị trường. Đồng thời, cần xem xét cấm bán, sản xuất, quảng cáo thuốc lá điện tử ở Việt Nam.

Thuốc lá điện tử có thể gây nghiện, bệnh phổi, như thuốc lá truyền thống. Ảnh: WTVA.

Thuốc lá điện tử có thể gây nghiện như thuốc lá truyền thống. Ảnh: WTVA

Bà Đoàn Thu Huyền, Giám đốc Văn phòng tại Việt Nam của Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không thuốc lá, Mỹ cho biết đối với sản phẩm thuốc lá điện tử, các quốc gia thường quy định theo 3 phương án. Phương án 1, quy định cấm hoàn toàn sản phẩm thuốc lá điện tử. 24 quốc gia cấm hoàn toàn (buôn bán, phân phối, quảng cáo...) như Ấn Độ, Singapore, Brunei... Phương án 2 quy định thuốc lá điện tử được xếp vào mặt hàng có điều kiện như dược phẩm hoặc sản phẩm điều trị. Ít nhất 8 quốc gia và vùng lãnh thổ đã áp dụng.

"Thuốc lá điện tử chỉ lưu hành sau khi được cấp giấy phép là dược phẩm hoặc sản phẩm điều trị cai nghiện. Hiện tại chưa có loại sản phẩm thuốc lá điện tử nào được công nhận và cấp giấy phép", bà Huyền nhấn mạnh.

Phương án 3 là quản lý chặt chẽ theo các biện pháp về kiểm soát thuốc lá. Ít nhất đã có 47 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng phương án này.

Lê Nga