Thời tiết nắng nóng kéo dài, cơ thể mỏi mệt, mất nước, cảm giác ngon miệng cũng giảm, nhiều người có thói quen sử dụng các thức uống có gas, nước ngọt. Tuy nhiên, cần thận trọng với các loại thức uống công nghiệp này bởi nếu lạm dụng có thể gây hại cho sức khỏe.
Cả nước đã vào thời điểm nóng nhất trong năm. Nhiều biểu hiện không tốt đối với sức khỏe trong mùa nắng nóng đã xuất hiện như mệt mỏi, ngứa, tiểu bí; có người còn thấy toàn thân như bốc hỏa, mất tập trung; người khác ăn không có cảm giác ngon miệng nên bổ sung các sản phẩm thực phẩm chức năng, hoa quả; cũng có nhiều người thích dùng các sản phẩm nước ngọt, nước uống có gas để giải khát tức thời và chống lại cơn đói, cảm giác mệt mỏi.
Bà Nguyễn Thị Mây, phố Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, mùa hè nóng nực, lại bán hàng tạp hóa nên khi khát, khi mệt bác lại uống một lon nước cam lạnh. “Nếu không uống tôi sẽ không có sức bán hàng bởi hầu như tôi không ăn được cơm khi nắng nóng cao điểm”, bà Mây than thở. Tương tự, anh Nguyễn Quốc Huy, công nhân xây dựng công trình trên phố Liễu Giai cho hay, nắng nóng cao điểm trong khi công việc vất vả khiến anh thường xuyên thèm chất ngọt và mát. Dịch bệnh nên hầu như hàng quán không mở cửa, mang sẵn nước tự pha thì không tiện nên anh thường xuyên bổ sung năng lượng bằng các loại bánh ngọt và các loại nước ngọt mát lạnh từ các hàng tạp hóa, siêu thị.
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều người có thói quen lạm dụng nước ngọt hằng ngày. Bác sĩ Bùi Thanh Phúc, khoa Phẫu thuật Cấp cứu tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, vừa qua cơ sở tiếp nhận bệnh nhân N.T.S, 22 tuổi, nhập viện trong tình trạng cơ thể có khối u to chèn ép và xâm lấn vào các cơ quan nội tạng như tụy, lách, động mạch chủ bụng. Nếu không phẫu thuật sớm bệnh nhân sẽ đối mặt với nguy cơ như chảy máu trong, tổn thương nội tạng, tăng huyết áp. “Trước đó, bệnh nhân thường xuyên uống nước ngọt và có xu hướng lạm dụng vào loại đồ uống này. Mặc dù chưa xác định nguyên nhân cụ thể, tuy nhiên, việc uống nước ngọt liên tục cũng là một trong những nguyên nhân gây ra u thượng thận ở bệnh nhân”, bác sĩ Phúc thông tin.
Theo Tiến sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, thói quen uống nước ngọt thường xuyên đã vô tình trở thành gánh nặng cực lớn cho thận. Bởi lượng đường, phốt pho trong đồ uống sẽ bài tiết hết canxi ra ngoài, từ đó dẫn đến các bệnh sỏi thận. Phần lớn nước ngọt có gas thường chứa nhiều đường và lượng axit tương đối cao, do đó uống nhiều nước ngọt sẽ dẫn đến lượng đường trong máu cao, gây ra tình trạng kháng insulin và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Đồng thời, nước ngọt còn làm gia tăng nồng độ axit uric trong máu gây bệnh gout, bệnh cao huyết áp. Hầu hết các loại nước ngọt đều chứa axit photphoric, một hoạt chất tăng hương vị và kéo dài thời gian bảo quản. Khi cơ thể dung nạp nhiều chất này đồng nghĩa với việc dư thừa lượng axit photphoric, gây nhiễu loạn cơ chế hấp thụ canxi, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh thận, loãng xương và mất cơ. Nước ngọt có gas chứa một lượng cafein nhất định, người bình thường chỉ nên uống một lượng vừa phải để tỉnh táo và có thêm năng lượng, không nên uống quá nhiều và uống trong thời gian dài.
Để tiết chế thói quen lạm dụng đồ uống có gas khi thời tiết nắng nóng, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo mỗi người hãy tiết giảm dần những đồ uống có gas hoặc nước ngọt đóng chai nếu cảm thấy mình đang uống quá nhiều. Đầu tiên, hãy giảm xuống còn 1 cốc/ngày; sau hai tuần, giảm xuống còn 3 cốc/tuần để cơ thể dần thích nghi. Mỗi khi có cảm giác thèm uống nước ngọt, hãy uống một cốc nước lọc. Ngoài việc kiểm soát lượng nước ngọt có gas thì theo các chuyên gia, việc áp dụng thực đơn hợp lý trong mùa nắng nóng là rất quan trọng. Tiến sĩ Cao Thị Hậu, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng, cho hay, người dân nên hạn chế ăn các đồ chiên, rán, nướng, các loại thức ăn nhanh như xúc xích, đồ hộp, lạp xưởng vì những loại này vừa khó tiêu, vừa nhiều năng lượng, đòi hỏi phải cung cấp nhiều nước hơn để chuyển hóa... Nên ăn đa dạng thực phẩm, uống nước đầy đủ.
An Hà (Hà Nội Mới) - Dân Việt