Ngủ gầm cầu, ông bố 17 năm gom rác mua được 3 căn hộ
Bàn tay đen nhẻm vì 17 năm ăn ngủ vệ đường để gom rác, người đàn ông Trung Quốc không xu dính túi đã làm nên sự nghiệp.
Anh Lu Shaochuan, 50 tuổi, quê ở một ngôi làng thuộc tỉnh An Huy. Mùa hè năm 1999, người đàn ông 33 tuổi khi đó từ biệt vợ con, tới làm việc ở thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang. Khi xuống xe bus sau hành trình tốn 107 tệ, trong túi của anh chỉ còn 5 xu.
Trong 17 năm làm việc cật lực tại đây, anh Lu phải ngủ ở vệ đường, sống trong hốc cầu, ăn thức ăn thừa của người khác, và bắt đầu thu gom rác. Giờ đây, anh đã mua được 3 căn hộ ở thành phố Gia Hưng, với tài sản vài triệu tệ, trở thành "vua bãi rác" nổi tiếng, theo wenxuecity.
Dù ngày nay đã giàu có, anh Lu vẫn cặm cụi làm việc như ngày đầu. Ảnh: wenxuecity. |
Trên bờ nam của đường Đông Zhonghuan, nơi anh đã sống 7 năm qua, người đàn ông lần đầu kể chuyện đời mình. Lần đầu đến Gia Hưng, anh chưa thể thích nghi với cuộc sống ở đây. Ban ngày, anh làm việc bán thời gian cho một công trường xây dựng, ngủ trên đường dưới ánh nắng mặt trời, và ở dưới gầm cầu nếu đêm mưa, bất chấp thời tiết lạnh giá.
Sau 3 năm, anh Lu gửi tiền về nhà cho bố mẹ và vợ, và anh cũng tích lũy được 5.000 tệ (16 triệu đồng). Đã bắt đầu hiểu tiếng nơi đây, Lu tin rằng có rất nhiều cơ hội làm việc cho mình, và anh không muốn làm thuê tiếp nữa. Anh muốn bắt đầu 'khởi nghiệp'.
Năm 2003, Lu mua chiếc xe ba bánh điện đầu tiên, thuê một mảnh đất, dựng nên hai nhà trọ, và bắt đầu công việc thu gom rác cho các cơ sở, rồi bán phế liệu. "Mặc dù nghề thu gom rác chưa phổ biến, nhưng chi phí thấp, tiền quay vòng nhanh, với một người ít vốn như tôi, đó là lựa chọn tốt", anh nói. Những người khác không muốn làm công việc bẩn thỉu, nặng nhọc này, và đó là cơ hội tốt cho anh.
Anh nhanh chóng tập hợp được các khách hàng quen thuộc. Sau khi thu gom rác, anh dùng xe giúp vận chuyển chúng. Đôi khi anh còn giúp lau dọn nhà vệ sinh. Dần dần, các công ty sẵn sàng bán rác thải cho anh, và công việc ngày một mở rộng. Những lúc công việc không thuận, Lu đến các sông gần đó bắt cá để bán, đi giúp việc nhà...
Bàn tay không từ việc gì của anh Lu. Ảnh: wenxuecity. |
Chăm chỉ và tích lũy, Lu mua được căn nhà đầu tiên ở Gia Hưng vào năm 2005, và đưa vợ xuống làm cùng mình. Hai vợ chồng cùng nhau quản lý công việc thu gom rác. Với sự giúp đỡ của vợ, công việc của anh ngày càng thuận lợi hơn, có tiền mua một trang trại trên núi để nuôi gà.
Chiếc thuyền nơi anh Lu sống 7 năm, được gia đình anh gọi là con thuyền may mắn. Nó đã thành kỷ niệm của cả gia đình. Vợ anh, chị Li Huizhen, cho biết một nguyên nhân chính dẫn đến thành công ngày nay của Lu là không tham lam. Tháng 7/2000, khi Lu sửa một chiếc xe hơi, anh tìm thấy 50.000 tệ tiền mặt và một vài hóa đơn, anh đã chờ người chủ đến để trả lại dưới trời nắng nóng.
Ngày nay, thay vì đôi bàn tay đen nhẻm gõ búa, người đàn ông này có cả dây chuyền máy móc hỗ trợ, nhưng anh vẫn chăm chỉ làm việc y như ngày đầu. Anh vẫn nhận điện thoại thu gom rác, trực tiếp lái xe đến để nhận hàng.
Lu Xiaosong và vợ trong căn hộ mà bố anh - Lu Shaochuan - mua được sau 17 năm thu gom rác. Ảnh: wenxuecity. |
Lao Liu, một người nông dân sống ở cùng khu vực, biết anh Lu nhiều năm qua, cho biết Lu là một người tốt, dù có tài sản cả triệu tệ, vẫn bình dị như cũ.
Với hai con gái và một con trai đã kết hôn, Lu cho biết đôi khi vẫn thấy cuộc đời như một giấc mơ. Từ chỗ túi tiền chỉ có 5 xu, sau 17 năm, anh đã có tài sản hàng triệu tệ. Cuộc sống của anh là minh chứng cho thấy dù khó khăn, nhưng chừng nào bạn còn sẵn sàng làm việc chăm chỉ, và có mục tiêu, giấc mơ sẽ thành hiện thực.
T. An