Viêm gan B hóa ung thư do bỏ điều trị
HÀ NỘIBệnh nhân nam, 65 tuổi, mắc viêm gan B, 6 năm qua chỉ mua thuốc theo toa cũ để uống, đến đầu năm nay thì bỏ thuốc hẳn.
Ông phát hiện bị viêm gan B từ năm 2010, bác sĩ kê toa thuốc kháng virus và phải tái khám định kỳ. Tới năm 2014, ông không tái khám nữa mà chỉ mua thuốc về uống theo toa cũ. Ba tháng đầu năm nay ông bỏ uống thuốc.
Ngày 12/5, ông đi khám, bác sĩ thông báo bệnh đã phát triển thành ung thư, phải điều trị ngay. Chỉ sau 18 ngày sử dụng thuốc điều trị đích ung thư gan, men gan của ông tăng cao bất thường, chuyển tới Khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị lại bằng thuốc kháng virus và hạ men gan, song song với việc sử dụng thuốc chữa ung thư.
Một bệnh nhân nam khác, 73 tuổi, ở Nam Định, cùng phòng với bệnh nhân, cũng mắc viêm gan B 10 năm. Ông không điều trị thường xuyên, bỏ thuốc 2-3 năm trở lại đây, bệnh phát triển thành ung thư gan đa ổ. Bác sĩ Bệnh viện K chỉ định nút mạch hóa chất. Tuy nhiên, men gan của ông quá cao, phải điều trị hạ men gan tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trước khi chữa ung thư.
Bác sĩ Nguyễn Quang Huy, khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết cả hai bệnh nhân đều mắc viêm gan B đã nhiều năm và bỏ thuốc trong thời gian dài. Việc bỏ thuốc làm cho bệnh nhân xuất hiện ung thư, hoặc ung thư nặng hơn và men gan tăng cao.
Bác sĩ Mai Đình Cửu, Phó trưởng khoa Viêm gan, cho biết số bệnh nhân bị ung thư gan do bỏ thuốc không nhiều, song thường nhập viện trong tình trạng nặng, để lại hậu quả đáng tiếc, ví dụ bị xơ gan mất bù, ung thư, điều trị muộn nên hiệu quả không cao.
Viêm gan do virus có 4 loại, gồm virus viêm gan A, B, C và E. Viêm gan A và E gây nhiễm trùng tiêu hóa cấp, viêm gan virus B và C gây viêm gan mạn tính, dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Trong đó, A, C và E có thể điều trị khỏi, viêm gan virus B chưa có thuốc điều trị, chỉ có thuốc ức chế.
Khi bệnh nhân bỏ thuốc, virus B đang bị thuốc ức chế nay không còn được kiểm soát, bệnh bùng phát và nặng hơn nhiều lần. Nguy cơ virus kháng thuốc tăng lên, góp phần tăng nặng xơ gan và ung thư hóa gan, đặc biệt với bệnh nhân tiền sử viêm gan B.
Bệnh nhân ung thư do viêm gan virus B điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Chi Lê.
Vì vậy bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân mắc viêm gan B, C cần tuân thủ điều trị, khống chế tiến triển của virus để ngăn chặn nguy cơ xơ hóa gan, loại bỏ nguy cơ đề kháng kháng thuốc, tổn thương gan nặng nề. Viêm gan do virus có thể lây truyền thông qua quan hệ tình dục không an toàn, các con đường truyền máu và chế phẩm về máu, các con đường tiêm truyền, mẹ truyền sang con, vì vậy cần dự phòng chặt chẽ các đường lây này.
Những người đã mắc viêm gan virus cần tuân thủ điều trị, khám bệnh định kỳ, chủ động kiểm soát bệnh tại cơ sở y tế chuyên khoa, tránh để lâu, bệnh nặng rồi mới chữa. Khi đã tham gia điều trị, người bệnh không được bỏ uống thuốc.
Để phòng viêm gan B hiệu quả, người lớn và trẻ em cần chủ động tiêm vaccine. Trẻ sơ sinh cần tiêm vaccine phòng viêm gan B ngay trong 24h sau sinh. Người mẹ nhiễm viêm gan B sinh em bé thì cần tiêm vaccine và huyết thanh để loại trừ nguy cơ càng sớm càng tốt.