Ăn thực dưỡng 49 ngày theo 'bác sĩ Google' và... cấp cứu

TTO - Gần 1 tuần sau ca cấp cứu cho bệnh nhân nhiều lần ngừng tuần hoàn, viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia vẫn rất ấn tượng với bệnh nhân 61 tuổi ăn thực dưỡng 49 ngày theo hướng dẫn của...Internet.

Ăn thực dưỡng 49 ngày theo bác sĩ Google và... cấp cứu - Ảnh 1.

Tra cứu thông tin sức khỏe trên Google - Ảnh: Dailymail

So với nhiều loại thông tin có thể tra cứu dễ dàng trên mạng, thông tin về sức khỏe chỉ tra cứu "cho biết" chứ không nên áp dụng trong điều trị bệnh, nếu không muốn bệnh nặng lên và nguy hiểm đến tính mạng.

Bác sĩ PHẠM MẠNH HÙNG

Có 2/5 người ở Mỹ tự chẩn bệnh sai vì tin vào bác sĩ trên mạng. Tại Việt Nam số người tự chẩn bệnh cho mình theo các chia sẻ, hướng dẫn trên mạng và tin vào việc mình mắc căn bệnh nào đó, tự uống thuốc cũng khá nhiều.

Theo Hãng tin South West News Service (SWNS) của Anh, kết quả khảo sát do Công ty Let’s Get Checked (có văn phòng tại Mỹ, Canada và Ireland) thực hiện với 2.000 người Mỹ trưởng thành cho thấy có tới 2/5 (43%) người đã tự chẩn bệnh cho mình sai sau khi tìm hiểu về các triệu chứng sức khỏe bất ổn trên mạng.

Theo Đài Foxnews, 2/5 số người được hỏi cho biết đã lầm lẫn tin mình đang mắc một bệnh nghiêm trọng nào đó sau khi tra cứu thông tin trên mạng Internet.

Cũng theo khảo sát của Công ty Let’s Get Checked, trong số 2.000 người tham gia trả lời khảo sát, 65% đã lựa chọn "bác sĩ Google" để tìm hiểu các triệu chứng gặp phải cũng như cố gắng tự chẩn bệnh cho mình.

Một nửa người trưởng thành tìm "bác sĩ Google"!

Trong số họ, 74% cho biết việc tìm kiếm thông tin về các triệu chứng sức khỏe trên Google thực sự khiến họ căng thẳng hơn so với trước khi tìm kiếm. Những người này cũng nói các thông tin họ đọc được trong lúc đó chỉ đúng chưa tới 40%.

Nói cách khác, hơn 60% câu trả lời cho các triệu chứng sức khỏe họ tìm thấy trên mạng Internet là không chính xác.

Bác sĩ Robert Mordkin, giám đốc y khoa của Let’s Get Checked, nhận xét: "Cuộc khảo sát này cho thấy một lượng đáng kể những người đang sống chung với các triệu chứng sức khỏe tiêu cực mỗi ngày mà họ hoặc không hiểu, hoặc đánh giá sai. Nhiều triệu chứng trong đó có thể liên quan tới các vấn đề của tuyến giáp".

Ông Mordkin cũng cho rằng: "Mặc dù việc tự tìm hiểu thêm kiến thức là tốt, song việc tiến hành xét nghiệm khách quan là điều quan trọng".

Có 6/10 người được hỏi thừa nhận họ chủ động né tránh việc tới phòng khám. Những lý do phổ biến khiến mọi người không muốn đi khám gồm chi phí (47%), sợ bác sĩ khám không tốt, bỏ qua triệu chứng bệnh (37%) và không có thời gian hẹn khám (37%).

Họ cũng cho rằng, những yếu tố nếu được cải thiện sẽ khuyến khích họ đến khám trực tiếp nhiều hơn, gồm: được giải thích rõ hơn về các kết quả xét nghiệm, chi phí bớt đắt đỏ và khung giờ khám bệnh linh hoạt hơn.

Ngoài ra là các yếu tố thuận lợi khác như có thể lựa chọn những bộ phận nào của cơ thể để xét nghiệm và có thể làm xét nghiệm tại nhà.

Bác sĩ Mordkin nói: "Việc có tới hơn một nửa số người trưởng thành ở Mỹ tìm "bác sĩ Google" khi gặp trục trặc sức khỏe là điều đáng lo ngại.

Thực tế nhiều người phải mất nhiều tuần hoặc nhiều tháng mới tới khám tại phòng mạch cho thấy nhu cầu về những giải pháp tốt hơn để mọi người có thể làm xét nghiệm, quản lý và hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình".

Chớ tin "bác sĩ mạng"

Việc tra cứu thông tin về sức khỏe là cần thiết nhưng không phải cái gì cũng tra và tự suy diễn bệnh tật của mình. Mới đây, có một bệnh nhân nguy hiểm tính mạng vì làm theo những điều mạng hướng dẫn.

Gần một tuần sau ca cấp cứu cho bệnh nhân nhiều lần ngừng tuần hoàn vì ăn thực dưỡng theo hướng dẫn trên mạng Internet, trên nền bệnh cảnh sẵn có bệnh mạch vành, ông Phạm Mạnh Hùng - viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia - vẫn rất ấn tượng với bệnh nhân 61 tuổi ở Hà Nội, đang theo chế độ ăn thực dưỡng (chỉ ăn gạo lứt và thực phẩm thực dưỡng) trong 49 ngày.

Nhưng bệnh nhân mới ăn thực dưỡng đến ngày thứ 41 thì có các biểu hiện bệnh, ngừng tuần hoàn ngay khi vào viện.

"Chúng tôi đã hội chẩn và làm các xét nghiệm, chụp chiếu cận lâm sàng để xác định, kết quả cho thấy bệnh nhân có bệnh mạch vành dù chưa biểu hiện ra bệnh, nhưng chế độ ăn đã khiến bệnh nhân hạ natri, kali máu, thúc đẩy các triệu chứng của bệnh xuất hiện"- ông Hùng cho biết.

Theo ông Hùng, đây chỉ là một trong nhiều trường hợp mà ông gặp liên quan đến "chữa bệnh theo bác sĩ mạng" hay nghe theo người quen mách bảo. Internet đang là một kho tin tức và tư liệu khổng lồ, rất nhiều người cần tra cứu thông tin đều tra cứu trên đó, kể cả tra cứu thông tin về sức khỏe.

Bác sĩ Hùng cho biết thường thông tin sức khỏe viết theo hình thức chính thống, khoa học thì người dân không thích đọc vì khó hiểu, nhưng viết theo kiểu thường thức, dễ hiểu thì lại không phải do giới chuyên môn viết, hoặc do nhà quảng cáo cung cấp, tính chính xác không cao.

Nên có các biện pháp kiểm tra sức khỏe định kỳ vì việc này sẽ mang lại giải pháp an toàn hơn thay vì luôn tìm tới Google trong mọi tình huống cần có câu trả lời cho các vấn đề sức khỏe.

Nguy hiểm khi nghe lời mạng bỏ uống thuốc

unnamed (5)kbhgsd 2(read-only)

Nhiều người thường vào Google tìm bệnh và cách chữa bệnh - Ảnh minh họa: HOÀNG AN

Bác sĩ Phạm Mạnh Hùng cho biết ông đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nghe giới thiệu từ người quen, từ mạng Internet, bỏ thuốc chữa bệnh tim, trong khi người thay van tim nhân tạo phải uống thuốc chống đông, việc bỏ thuốc dẫn đến kẹt van hoặc các biến chứng nguy hiểm.

Bên cạnh đó là các trường hợp uống thuốc nam, thuốc bắc theo mách bảo và đến viện trong tình trạng rất nặng.

"Chưa có thống kê đầy đủ nhưng tôi cho là số tra cứu thông tin sức khỏe trên mạng rồi nghe theo bác sĩ mạng để chữa bệnh ở Việt Nam là rất nhiều, nhiều hơn con số ở Mỹ"- bác sĩ Hùng chia sẻ.


ĐẮC LUÂN - L.ANH