Cô gái không có âm đạo

HÀ NỘIBệnh nhân 29 tuổi không có âm đạo bẩm sinh, được các bác sĩ bệnh viện E phẫu thuật tạo hình bộ phận sinh dục thành công.

Cô gái đến tuổi dậy thì không có kinh nguyệt, khám tại cơ sở y tế địa phương không phát hiện ra bệnh. Cách đây 3 năm, bệnh nhân khám ở Bệnh viện phụ sản Trung ương, bác sĩ chẩn đoán mắc hội chứng Mayer - Rokitansky - Kuster- Hauser (không âm đạo bẩm sinh). 

Bệnh nhân hiện điều trị ở khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E, mong muốn cải thiện dị tật để sống hạnh phúc và tự tin hơn. Kết quả chụp chiếu cho thấy bệnh nhân có âm đạo rất ngắn, chỉ khoảng 2 cm, có 2 buồng trứng bình thường, hormone nữ trong giới hạn bình thường, nhiễm sắc thể giới NST XX - đặc trưng của nữ.

Bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, cho biết các bác sĩ đã phẫu thuật tạo khoang âm đạo mới cho bệnh nhân bằng niêm mạc vùng sinh dục và niêm mạc miệng. Đây là kỹ thuật tiên tiến, an toàn và kết quả tạo hình rất tốt do niêm mạc ở 2 nơi này tương đồng với niêm mạc âm đạo.

Các bác sĩ phẫu thuật tạo hình âm đạo cho bệnh nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp.

Các bác sĩ phẫu thuật tạo hình âm đạo cho bệnh nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp.

Đặc biệt, các bác sĩ đã sáng tạo khuôn nong và cố định mảnh ghép bằng silicon y học cho bệnh nhân. Ca mổ diễn ra tuần trước, hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định, được nuôi dưỡng bằng đường truyền tĩnh mạch để không đi ngoài ảnh hưởng vết mổ.

Ở Việt Nam, giáo sư Trần Thiết Sơn là người đầu tiên ứng dụng khuôn nong nhựa trong tạo hình âm đạo. Sau đó, các bác sĩ khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E, đã tự tạo dụng cụ này bằng vật liệu silicon y học, đảm bảo chất lượng và an toàn cho sức khỏe người bệnh.

Dị tật không có âm đạo là bệnh bẩm sinh của đường sinh dục nữ, nguyên nhân chưa rõ. Bệnh thường phát hiện ở độ tuổi sơ sinh hoặc dậy thì. Ở tuổi sơ sinh, dưới tác động của hormone estrogen từ mẹ truyền qua con trong giai đoạn thai kỳ, cổ tử cung trẻ gái sơ sinh tăng tiết dịch dẫn đến ứ dịch vùng âm đạo, có thể gây các khối u vùng âm hộ hoặc tiểu khó, tiểu rặn, nặng thì nhiễm trùng tiểu. Tuổi dậy thì, bệnh nhân bị đau bụng theo chu kỳ tháng nhưng không thấy kinh.

Bác sĩ khuyên mọi bất thường ở cơ quan sinh sản cần được khám và điều trị kịp thời. Vì thế, phụ nữ có các dấu hiệu bất thường như đến tuổi dậy thì mà không có kinh nguyệt, không quan hệ vợ chồng được... phải đến bệnh viện khám sớm để có hướng điều trị phù hợp.

Lê Nga