Rối loạn trầm cảm ở trẻ em và thanh-thiếu niên

Em M.H (17 tuổi, ở quận Hải Châu) được mẹ đưa đến Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng (sau đây gọi tắt là Trung tâm) trong tình trạng có vấn đề về tâm lý. Sau khi trải qua một số bài kiểm tra, các cán bộ Trung tâm phát hiện em bị trầm cảm nặng. H. luôn cảm thấy bản thân không có giá trị, thấy cuộc sống vô nghĩa và đã có ý định tự tử.

Cán bộ Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội tư vấn tâm lý cho trẻ em ở quận Hải Châu.  Ảnh: PHƯƠNG MINH
Cán bộ Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội tư vấn tâm lý cho trẻ em ở quận Hải Châu. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Không ai ngờ rằng, trước đó, H. là học sinh giỏi, là một lớp trưởng khá năng nổ trong mọi hoạt động của trường, lớp. Sau khi các cán bộ tại Trung tâm trò chuyện, tâm sự thì mới vỡ lẽ là do bố của H. vì muốn con tiến bộ hơn nên luôn chê bai, phủ nhận tất cả những gì em đã cố gắng làm được như hiện tại. Cứ thế, kỳ vọng của bố quá lớn khiến H. cảm thấy mình bất lực, không làm được gì để bố vừa lòng và đã nghĩ đến chuyện chấm dứt cuộc sống. Sau đó, các cán bộ Trung tâm đã kết nối với Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng để H. được điều trị và hiện giờ bệnh tình của em đã thuyên giảm, H. đã đi học lại bình thường.

Đối với em L.T (16 tuổi, ở quận Thanh Khê) lại là một trường hợp khác. Mẹ T. bị bệnh tim, làm nghề bán hàng rong bữa được bữa không nên cuộc sống của hai mẹ con hết sức khó khăn. Vì vậy, T. vừa đi học vừa phải làm thêm kiếm tiền phụ mẹ. T. học rất yếu, lại phải lo chi phí thuốc men cho mẹ, trang trải cuộc sống hằng ngày cho hai mẹ con. Áp lực dồn lên đôi vai bé nhỏ của T. khiến em bị trầm cảm. Lúc nào bên tai T. cũng vang vọng tiếng người nói xấu mình, tiếng chửi rủa không ngớt… Sau khi tìm đến Trung tâm, T. được các cán bộ nơi đây hỗ trợ tư vấn về tâm lý, đồng thời giúp em tìm được một  nghề theo học để thoát khỏi áp lực học hành và có điều kiện giúp đỡ mẹ.

Chị Trần Hoàng Ngọc Trâm, chuyên viên của Trung tâm cho biết, đó chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp đến trực tiếp hoặc điện thoại để nhờ Trung tâm tư vấn hỗ trợ. “Ở đây chúng tôi gặp nhiều trường hợp, nhiều hoàn cảnh khác nhau dẫn đến trầm cảm. Yếu tố gia đình, các sự kiện xảy ra trong cuộc sống, yếu tố cá nhân… là một trong những nguyên nhân có tác động đến trầm cảm ở tuổi vị thành niên. Bởi vậy, ở lứa tuổi này, cha mẹ cần quan tâm đến con nhiều hơn để phát hiện sớm những biểu hiện bất thường nhằm ngăn chặn kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra”, chị Trâm nói.

Từ đầu năm đến nay, đường dây nóng của Trung tâm đã tiếp nhận và tư vấn, tham vấn 37 trường hợp bị tự kỷ, có vấn đề về tâm lý, bị trầm cảm, có vấn đề về tâm thần, bị bạo hành… Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng đã tiếp nhận 476 cuộc điện thoại nhờ tư vấn tâm lý ở Đà Nẵng, trong đó có nhiều trường hợp trẻ em bị trầm cảm ở lứa tuổi vị thành niên. Thạc sĩ Giáo dục học Phạm Thị Mơ, cựu giảng viên Khoa Tâm lý - Giáo dục thuộc Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho biết, thiếu niên là giai đoạn chuyển từ trẻ em sang người lớn. Sự phát triển nhân cách theo hướng nào tùy thuộc vào hoàn cảnh, môi trường xã hội, trong đó có giáo dục.

Theo thạc sĩ Phạm Thị Mơ, giống như các hiện tượng xã hội khác, trong điều kiện xã hội phát triển phức tạp, hiện tượng sang chấn tâm lý của trẻ em cũng có chiều hướng gia tăng do không đạt kết quả trong học tập như mong đợi, bị sỉ nhục, gia đình có nhiều xung đột, bị ruồng bỏ, bị cấm đoán trong tình bạn, tình yêu… “Người lớn cần chú ý trong cư xử với con: kiên quyết nhưng mềm mỏng, không xúc phạm con, không ép trẻ học quá nhiều. Cha mẹ nên là người bạn, đồng hành cùng con, dạy con kỹ năng giải quyết những khó khăn. Khuyến khích con đọc những sách báo, tạp chí có nội dung lành mạnh”, thạc sĩ Phạm Thị Mơ nói.

Theo thạc sĩ Phạm Thị Mơ, nếu cha mẹ thấy con có dấu hiệu buồn bã hoặc giận dữ, thất vọng chỉ với những việc rất nhỏ, hoặc những việc đơn giản nhưng không đưa ra được quyết định, suy nghĩ chậm chạm, không tập trung hoặc mặc cảm… kéo dài trong 2 tuần trở lên thì phải đưa con đến ngay cơ sở y tế để được sàng lọc, tư vấn và hỗ trợ.

PHƯƠNG MINH