Khuôn viên chân cầu Rồng từ lâu là nơi vui chơi giải trí của người dân địa phương mỗi buổi tối cuối tuần, và cũng là điểm tản bộ của du khách thập phương. Chính vì lẽ đó, địa điểm này được các nghệ sĩ, họa sĩ chọn lựa thực hiện những tác phẩm nghệ thuật lớn, nhằm mang lại góc nhìn tích cực về mỹ thuật hiện đại cho thành phố.
Ai bảo vệ tranh đường phố?
Tháng 8.2016, tại hầm đi bộ bờ Tây cầu Rồng, Trường Cao đẳng VHNT Đà Nẵng tổ chức trưng bày hai bức tranh Biển gọi và Tài nguyên vô giá (mỗi bức 35,6m x 2,1m) do tác giả Trần Hữu Dương và nhóm họa sĩ tổ Mỹ thuật của trường thực hiện. Với tổng diện tích là 149,5m2, hai tác phẩm này được đăng ký lập kỷ lục VietKings về thể loại tranh phong cảnh chất liệu acrylic trên toan có kích thước lớn nhất Việt Nam. Nội dung các bức tranh muốn gửi đến cộng đồng lời kêu gọi hãy bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo vệ sự sống.
Qua thời gian, mặc dù các bức tranh ở chân cầu Rồng Đà Nẵng vẫn tươi nguyên màu sắc nhưng đã bị bôi bẩn nghiêm trọng. Có thể bắt gặp những hàng chữ lem nhem bằng đủ loại mực, số điện thoại rao vặt, quảng cáo, tâm tư tình cảm, mốc kỷ niệm… đều được các bạn trẻ “gửi gắm” cả vào các bức vẽ… gây nên sự nhếch nhác và khó coi. Chị Phan Thúy Hồng, một du khách bày tỏ, “Đúng là những bạn trẻ vẽ bậy, bôi bẩn lên những bức tranh này rất vô ý thức. Nhưng tôi nghĩ quan trọng là các cơ quan chức năng phải quyết liệt vào cuộc để bảo vệ tác phẩm, bảo vệ mỹ quan đô thị. Trưng bày tranh đường phố thì rõ ràng là khiến phố phường trở nên đẹp hơn, còn nếu không bảo vệ được tranh thì lại phản tác dụng”.
Tương tự, con đường bích họa tại hẻm 75 Nguyễn Văn Linh do Đoàn Thanh niên P. Phước Ninh (Q. Hải Châu, Đà Nẵng) phối hợp với Hội Mỹ thuật TP Đà Nẵng triển khai cũng bị chung số phận. Sau gần nửa tháng khai trương, từ chỗ là địa điểm được ưa thích của các bạn trẻ, nơi đây đã dần vắng bóng người do xuống cấp nhanh chóng. Con đường bích họa bị chiếm để đổ vật liệu xây dựng và các loại rác thải sinh hoạt. Các hàng quán ban đầu tấp nập vì đông khách tham quan, giờ rơi vào cảnh đìu hiu một cách bất ngờ.
Cần có trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng và chính quyền
Được biết Trường Cao đẳng VHNT Đà Nẵng đã nhiều lần cố gắng khắc phục nhưng những tác phẩm ở hầm đi bộ bờ Tây cầu Rồng vẫn tiếp tục bị bôi bẩn, vẽ bậy. Ông Nguyễn Trung Kỳ, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cho rằng trách nhiệm quản lý, bảo vệ trước hết thuộc về người đã sáng tác ra các tác phẩm. “Bên cạnh việc tuyên truyền cho người dân thì những nghệ sĩ cần có trách nhiệm với tác phẩm của mình bởi đó không khác gì đứa con tinh thần đã mất công sức đầu tư, thai nghén. Không thể sáng tác ra một tác phẩm rồi mặc kệ, kiểu như “đem con bỏ chợ””, ông Kỳ nói.
Trao đổi với Văn Hóa, họa sĩ Phan Thanh Hải, Trưởng khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng VHNT cũng không tránh khỏi những băn khoăn trước tình trạng tranh đường phố bị bôi bẩn. “Trước đây UBND thành phố đã có văn bản về việc giữ gìn, bảo vệ các tác phẩm nơi công cộng. Ngay từ khi dựng tranh trong hầm cầu Rồng, chúng tôi cũng đã dựng biển báo “Hãy giữ gìn và bảo vệ tác phẩm tranh nghệ thuật” hai bên đầu hầm để kêu gọi ý thức các bạn trẻ và cả cộng đồng trong việc bảo vệ tranh nghệ thuật. Nhưng đáng buồn là nó không hề có tác dụng. Hằng tháng, nhà trường chủ động kiểm tra và bảo trì đối với những tác phẩm bị bôi bẩn. Cứ làm xong lại bị”, họa sĩ Hải buồn rầu chia sẻ.
Nhằm tăng cường bảo vệ công trình tranh, tượng nơi công cộng, UBND thành phố Đà Nẵng cũng giao cho UBND các quận, huyện và các Sở, ngành liên quan chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành rà soát, tổng hợp số lượng tác phẩm tranh, tượng tại các địa điểm công cộng trên địa bàn để tham mưu, đề xuất các phương án bảo vệ; phối hợp với các cơ quan hữu quan hướng dẫn cụ thể các đơn vị có nhu cầu thực hiện các hoạt động mỹ thuật đường phố tại địa phương.
Sở VHTT chủ động, kịp thời báo cáo, tham mưu UBND thành phố các nội dung liên quan đến hoạt động mỹ thuật đường phố theo quy định; phối hợp với UBND các quận, huyện hướng dẫn các cơ quan, tổ chức quy trình, thủ tục thực hiện các tác phẩm trang, tượng nơi công cộng.
Ngay từ khi dựng tranh trong hầm cầu Rồng, chúng tôi cũng đã dựng biển báo “Hãy giữ gìn và bảo vệ tác phẩm tranh nghệ thuật” hai bên đầu hầm để kêu gọi ý thức các bạn trẻ và cả cộng đồng trong việc bảo vệ tranh nghệ thuật. Nhưng đáng buồn là nó không tác dụng. Ngoài ra, hằng tháng, nhà trường chủ động kiểm tra và bảo trì đối với những tác phẩm bị bôi bẩn. Cứ làm xong lại bị… (Họa sĩ Phan Thanh Hải, Trưởng khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng VHNT Đà Nẵng) |
Ngọc Hà