Bảo hiểm y tế 'Cứu tinh' cho người có HIV/AIDS

Theo Quyết định số 2188/QĐ-TTg ngày 15-11-2016 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2019, thuốc kháng HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm y tế (BHYT). Theo đó, Đà Nẵng đã tiến hành thanh toán thuốc ARV cho người nhiễm bằng BHYT.

Người nhiễm HIV cần được điều trị thường xuyên bằng thuốc ARV.
Người nhiễm HIV cần được điều trị thường xuyên bằng thuốc ARV.

Thường xuyên đến nhận thuốc ARV tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng, chị L. (40 tuổi, quận Thanh Khê) cho biết, trước đây vì biết mình bị nhiễm HIV nên chị ngại không làm thẻ BHYT. Tuy nhiên, do trước đó thuốc ARV được phát miễn phí, chị L. chỉ phải trả các khoản khám và điều trị khác.

“Nhưng bây giờ có BHYT mới được phát miễn phí thuốc này nên tôi đã mua BHYT, khám bệnh từ đó cũng đỡ tốn hơn”, chị L bộc bạch.

Cùng bị nhiễm HIV nhiều năm nay, anh M. cho biết, thẻ BHYT rất cần thiết đối với người bệnh, nhất là người nhiễm HIV như anh. “Thuốc ARV cho người bị nhiễm HIV là loại thuốc phải dùng liên tục suốt đời, và hiện nay chỉ được chi trả thông qua thẻ BHYT. Bởi vậy, chiếc thẻ BHYT gắn bó với người bệnh như tôi. Hơn nữa, hầu hết người nhiễm HIV đều sức khỏe yếu nên hay bị ốm nên nếu có thẻ BHYT sẽ đỡ tốn kém rất nhiều”.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng, năm 2019, tính đến 30-4, thành phố đã phát hiện 83 trường hợp xét nghiệm dương tính với HIV, trong đó ngoại tỉnh có 44 trường hợp (chiếm tỷ lệ 53%) và 39 trường hợp có hộ khẩu tại Đà Nẵng.

So với cùng kỳ năm 2018, số trường hợp phát hiện nhiễm mới năm 2019 tăng 18 trường hợp, số tử vong do AIDS giảm 6 trường hợp. Thành phố đang quản lý hơn 500 người nhiễm HIV tại 2 phòng khám điều trị ngoại trú ở Bệnh viện Da liễu và Bệnh viện Phụ sản-Nhi, trong đó có 527 người lớn. Những bệnh nhân này đều được điều trị thuốc ARV và tỷ lệ người điều trị ARV có tải lượng virus HIV thấp dưới ngưỡng ức chế (<1.000) đạt 97,5%.

Bác sĩ Lê Thành Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng cho biết, để đạt và duy trì tải lượng vi-rút dưới ngưỡng phát hiện, người bệnh cần tuân thủ điều trị thuốc ARV và xét nghiệm tải lượng virus định kỳ. Hiện nay thuốc ARV có thể giúp người bệnh sống thêm 50 năm kể từ ngày điều trị.

Chi phí cho thuốc ARV nếu phải trả là 4 triệu đồng/năm/người (phác đồ bậc 1) và nhiều hơn nữa (nếu điều trị theo phác đồ bậc 2 và 3). Đó là chưa kể chi phí khác như xét nghiệm, khám bệnh... Người nhiễm HIV/AIDS nếu có thẻ BHYT được bảo hiểm chi trả chi phí thuốc ARV, thuốc điều trị bệnh nhiễm trùng cơ hội và các xét nghiệm theo dõi điều trị ARV.  

Việt Nam đặt mục tiêu 90-90-90, tức là tới năm 2020 có 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV) và 90% số người được điều trị bằng ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp nhằm kết thúc đại dịch vào năm 2030.

Do đó, việc người nhiễm HIV có thẻ BHYT sẽ bảo đảm việc điều trị bằng thuốc ARV lâu dài, góp phần thực hiện mục tiêu này. Đà Nẵng là một trong những địa phương có tỷ lệ người tham gia BHYT cao nhất trong cả nước với 95,5% dân số (tính đến cuối năm 2018), bảo đảm cho 100% người nhiễm HIV tham gia điều trị có thẻ BHYT và hỗ trợ kinh phí đồng chi trả thuốc ARV.

Theo bác sĩ Chung, ngoại trừ những người nhiễm HIV đã được cơ quan đơn vị đóng BHYT, người nghèo, người dân tộc thiểu số đã được cấp phát thẻ thì những người nhiễm HIV/AIDS nếu tự mua BHYT sẽ được thanh toán lại số tiền đã mua.

Đà Nẵng cũng thường xuyên đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; hoạt động can thiệp giảm tác hại được triển khai đồng bộ và sự sự phối hợp liên ngành. Công tác điều trị, chăm sóc hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS bảo đảm duy trì tốt bằng nguồn ngân sách thành phố.

Đà Nẵng cũng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con để người bệnh có thể tiếp cận dịch vụ và hưởng những quyền lợi khi điều trị bằng BHYT.

Bài và ảnh: Lê Mận